Hoạt động nghị trường Phan_Thanh

Ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ

Năm 1936, nhân dịp Mặt trận Bình dân đắc cử tại Pháp, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thành lập Mặt trận Nhân dân Phản đế Đông Dương (về sau đổi thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương). Sau sự thắng cử của Trịnh Văn Phú - một người của nhóm Le Travail - vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Đảng Cộng sản Đông Dương có chủ trương đưa người của Mặt trận vào các viện dân biểu, hội đồng thành phố, các cơ quan thảo luận chính trị và kinh tế địa phương. Viện Dân biểu Trung Kỳ[b] (Chambre des Représentants du Peuple de l'Annam) là mục tiêu đầu tiên của chiến dịch này[33].

Trong cuộc vận động này, một việc quan trọng đối với Xứ ủy Trung Kỳ là lựa chọn người ra ứng cử thích hợp, bên cạnh việc cảm tình với Đảng, còn phải có năng lực tập hợp, tổ chức lực lượng dân chủ ngay trong Viện. Phan Thanh được Đảng bộ Quảng Nam xem là người có khả năng đảm đương trách nhiệm trên[34]. Tuy nhiên, theo quy chế ứng cử thì Phan Thanh, do đã từng bị sa thải khỏi ngành giáo dục và mất quyền công dân nên không đủ điều kiện[35]. Trong khi đó, phái Ngô Đình Diệm do mâu thuẫn với phái Phạm Quỳnh nên đã quyết định hợp tác với những người cộng sản, đồng ý đưa Hà Đằng lên làm Viện trưởng, đồng thời cũng nhận lời giải quyết khó khăn của Phan Thanh[36]. Không lâu sau, Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh của Ngô Đình Diệm) ra quyết định khôi phục quyền công dân cho Phan Thanh[37].

Đủ tư cách ứng cử, Phan Thanh nộp đơn ứng cử vào hạt I: Hòa Vang, Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam ở tuổi 29, hơn quy định tối thiểu 1 tuổi. Ông được bầu với số phiếu cao nhất trong 4 người ứng cử tại hạt và trúng cử ngay vòng đầu[18][c].

Chương trình hoạt động

Trong số 5 (17 tháng 7 năm 1937), báo Sông Hương tục bản nhân danh phe Bình dân, cho đăng bản "Chương trình của chúng tôi". Đây là chương trình tranh cử tối thiểu do Xứ ủy Trung Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương soạn thảo ra nhằm hướng dẫn cho toàn bộ cuộc vận động, đồng thời cũng nêu lên các mục tiêu cải cách[38]. Sau khi Phan Thanh đắc cử, báo Thời thế số 1 (30 tháng 10 năm 1937) do Trần Đình Tri chủ bút đã cho đăng toàn văn "Chương trình hành động của Dân biểu Phan Thanh", trong đó cụ thể, chi tiết hóa và sắp xếp lại nội dung của "Chương trình của chúng tôi". Bản chương trình này gồm 5 phần chính, theo thứ tự là: chính trị, pháp luật, tài chính, kinh tế và xã hội; trong đó nêu ra nhiều mục tiêu: mở rộng quyền hạn của Viện Dân biểu, mở rộng chế độ bầu cử, yêu cầu tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do đi lại trong nước và ngoài nước, tự do lập chính đảng, giảm bớt thuế đinh, thuế điền thổ, miễn thuế năm mất mùa, thi hành chính sách di dân, khai hoang, chấn chỉnh nghề nông... và các mục tiêu xã hội: bỏ chế độ bản xứ, mở rộng giáo dục, mở thêm nhà thương, yêu cầu tự do nghiệp đoàn...[18][39]

Bên cạnh đó, còn một công việc Phan Thanh phải thực hiện, đó là thuyết phục Hà Đằng - người được phe "Bình dân" và phe Ngô Đình Diệm ủng hộ làm Viện trưởng - đưa chương trình tối thiểu của Mặt trận vào bài diễn văn Viện trưởng đọc khi nhậm chức. Sau khi trao đổi với Hà Đằng, Phan Thanh đã viết thành bài diễn văn nhậm chức Viện trưởng để lại cho ông[23].

Ngày 3 tháng 11 năm 1937, Đại hội đồng Viện Dân biểu Trung Kỳ khai mạc. Phan Thanh cùng Huỳnh Văn Trân được bầu làm đại biểu của Viện đi dự Đại hội đồng Kinh tế - Tài chính Đông Dương. Hà Đằng được bầu làm Viện trưởng[40]. Ngày 4 tháng 11, Viện trưởng Hà Đằng tuyên bố khai hội và đọc diễn văn cảm ơn. Ông đã đọc bài diễn văn do Phan Thanh và Mặt trận Bình dân soạn thảo, thay vì đọc bài do nhóm của Ngô Đình Diệm chuẩn bị. Trong hồi ký, Phan Nhụy nhớ lại: "Đúng là bài của ta. Chúng tôi sung sướng, phe đại diện chính quyền ngạc nhiên, phe Ngô Đình Diệm nhìn nhau trợn mắt"[23]. "Chương trình" mà Xứ ủy Trung Kỳ đề ra đã trở thành đường hướng thảo luận và chất vấn trong kỳ Đại hội Viện Dân biểu Trung Kỳ năm 1937[41].

Khóa họp Viện Dân biểu Trung Kỳ năm 1937

Khóa họp thường niên của Viện Dân biểu Trung Kỳ khai mạc vào 3 tháng 11, bế mạc vào chiều ngày 10 tháng 11 năm 1937. Tại buổi họp đầu tiên ngày 3 tháng 11, Viện đã thảo luận và cho thành lập 7 tiểu ban, trong đó Phan Thanh và Nguyễn Đăng Quế là báo cáo viên của Tiểu ban thứ tư: phụ trách thảo luận về các thỉnh cầu[41].

Sáng ngày 6 tháng 11, Phan Thanh là người đứng ra phát biểu đầu tiên, chất vấn Thượng thư Bộ Lại Thái Văn Toản về "Dụ số 45"[d]. Việc này tiếp tục được nhắc đến vào chiều hôm sau, trong đó Phan Thanh chất vấn về việc thi hành sai quy định của "Dụ số 45" về bầu cử do vua Bảo Đại ban hành. Khi Thái Văn Toản lấy lý do rằng "ở ngoài Bắc thì dễ dàng hơn nhưng chật hẹp hơn, chỉ có chánh phó hương hội mới được đi bầu", Phan Thanh trả lời: "Tôi tưởng ngoài Bắc bầu cử chật hẹp hơn không phải là cái lý để [Trung Kỳ] thi hành không đúng Dụ số 45"[42].

Trong buổi họp về vấn đề thuế, Phan Thanh chất vấn Chánh phòng Nhì Pháp Mouchard, người đứng về phía chính quyền không chịu giảm thuế với lý do "bây giờ thì khác", cho rằng: "Khác là khác làm sao? Tôi tưởng lúc này là lúc dân chúng khốn đốn vì đồng bạc bị phá giá, thì chính là lúc chính phủ nên giảm thuế cho dân"[34]. Chiều 6 tháng 11, ông phát biểu ý kiến phản đối việc Bộ Lại ra quy định cấm sách báo ở Trung Kỳ. Phan Thanh đã công khai phê phán nhà cầm quyền với lý do "làm trở ngại cho việc học vấn" và đòi nghiêm phạt những kẻ lạm quyền, tạo được sự đồng thuận cao của nhiều dân biểu[42].

Phiên họp ngày 10 tháng 11, Phan Thanh đọc báo cáo của Tiểu ban thỉnh cầu, tóm lược 13 trong số 154 bản thỉnh cầu được gửi tới Viện, làm thỉnh cầu chung của Viện đưa ra thảo luận. Trong bài phát biểu, ông mong muốn Chính phủ xét kỹ những thỉnh cầu cải cách Viện đưa ra, với lý do "là cần thiết để nâng cao dân sinh và dân trí", và để chúng "không chỉ là những thỉnh cầu suông":

Một điều đáng lưu ý là những thỉnh cầu do các bạn đồng nghiệp hoặc Tiểu ban chúng tôi thảo ra có mật thiết đến sinh hoạt của dân chúng lao khổ... đều được Viện hoàn toàn tán thành. Thỉnh cầu có hiệu quả hay không, điều đó ở Chính phủ. Nhưng chúng ta có thể nói rằng: trong khi làm việc chúng ta không quên ý nguyện của dân chúng đã bày tỏ trong ngót 60 bức thư và điện tín gửi đến Viện trong mấy ngày nay.[43]

Đại hội đồng Kinh tế - Tài chính Đông Dương 1937

Sau khi kết thúc kỳ họp Viện Dân biểu Trung Kỳ (10 tháng 11 năm 1937), Phan Thanh và Huỳnh Văn Trân, hai thành viên của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, trở thành những đại diện của Viện tham dự khóa họp năm 1937 của Đại hội đồng Kinh tế - Tài chính Đông Dương (Grand Conseil des Intérêts économiques et financiers de l'Indochine)[e]. Những ngày này, hai ông đã thực hiện công việc chuẩn bị, điều tra, thu thập dân nguyện, đồng thời cũng bàn bạc phối hợp với nhau về những hành động tại kỳ họp trước mắt[44].

Ngày 2 tháng 12 năm 1937, Đại hội đồng Kinh tế - Tài chính Đông Dương khai mạc tại Đại giảng đường Viện Đại học Đông Dương, Hà Nội; Ballous được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng. Ba ủy ban được thành lập, gồm Ủy ban Ngân sách, Ủy ban các vấn đề linh tinh (Commission des affaires diverses) và Ủy ban Thỉnh cầu, trong đó Phan Thanh và Huỳnh Văn Trân đều đăng ký tham gia trong ủy ban đầu tiên[45].

Trong kỳ Đại hội đồng kéo dài gần ba tuần, Phan Thanh và Huỳnh Văn Trân đã đề cập đến nhiều vấn đề về thuế, tài chính, cũng như giáo dục, y tế, bưu chính, hỏa xa, lao động... Những nội dung hoạt động chính của hai ông bao gồm:

  • Phan Thanh phát biểu về tình trạng khan hiếm sợi và đề nghị nới rộng việc nhập khẩu sợi để giải quyết khóa khăn cho ngành dệt may.
  • Phan Thanh, Huỳnh Văn Trân trình bày những bất cập của chính sách muối đối với người sản xuất.
  • Phan Thanh tường trình những khuyết điểm của lối đánh thuế thuốc lá hiện hành và đề xuất lối đánh thế mới cho thuốc.
  • Phan Thanh phản đối việc tăng thuế xuất cảng bắp để khuyến khích trồng bắp.
  • Phan Thanh nêu vấn đề bảo hộ nội hóa với ngành thủy tinh Việt Nam.
  • Phan Thanh và Huỳnh Văn Trân đưa kiến nghị về cải cách chế độ thuế điền.
  • Hai ông đưa ra các thỉnh cầu về chính sách tài chính để giải quyết tình hình số tiền trả nợ và phụ cấp cho chính quốc chiếm quá cao trong công quỹ.
  • Phan Thanh đề nghị giảm khó khăn cho việc mở trường tư.
  • Phan Thanh chất vấn về tình trạng chưa thi hành đầy đủ Luật Lao động, thợ bị chủ áp bức và chưa được tự do lập nghiệp đoàn. Ông phê phán một đồng nghiệp khi dùng từ "bất trị" để chỉ cuộc đình công của công nhân ở Sở Hoả xa tại Vinh năm 1937[34].
  • Phan Thanh tán thành các thỉnh cầu về lương bổng viên chức và đề nghị tăng lương cho các ngạch trung đẳng và hạ đẳng.

Trong kỳ họp, tổng cộng Phan Thanh và Huỳnh Văn Trân đã đưa ra 11 điều thình cầu (trên tổng 122 thỉnh cầu của tất cả các ủy viên). Tất cả các thỉnh cầu của hai ông đều được thông qua. Một trong số đó là thỉnh cầu về việc phá bỏ các nhà ngục và thay thế bằng các xưởng làm việc, để ở đó các phạm nhân được hưởng một chế độ nhân đạo hơn[34]. Phan Thanh phát biểu rằng:

...Tôi xin bỏ các nhà ngục vì những nhà ngục ấy trái với nhân đạo. Bỏ tù tội nhân, giam họ, bắt họ làm khổ sai điều đó có thể hiểu được. Nhưng bắt họ chết mòn trong các nhà ngục ghê gớm ấy thì tôi hết sức công kích.

Tôi tin quả quyết rằng tội một phạm nhân, nhưng nguyên nhân sâu xa của tội ấy là ở cái xã hội bất an toàn của chúng ta.[46]

Bên cạnh đó hai ông còn ký vào năm bản thỉnh cầu do những nghị viên khác đề xuất[47]. Trong kỳ Đại hội đồng, Phan Thanh đã thể hiện khả năng hùng biện bằng tiếng Pháp của mình. Thống sứ danh dự Tissot, một thực dân lão làng, đã nói với ông: "Anh bạn đồng nghiệp trẻ tuổi ơi, tôi không tán thành ý kiến của anh, nhưng tôi khen ngợi lời lẽ anh đấy!"[21].

Cuối kỳ họp, Phan Thanh được bầu vào Phân ban Bắc của Ủy ban Thường trực Đại hội đồng; Huỳnh Văn Trân được cử tham gia Ủy ban Thuộc địa Trung ương[48]. Đại hội đồng bế mạc vào ngày 20 tháng 12 năm 1937.

Khóa họp Viện Dân biểu Trung Kỳ năm 1938

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phan_Thanh http://www.baodanang.vn/vn/hosotulieu/20479/index.... http://www.baodanang.vn/vn/hosotulieu/20752/index.... http://dantri.com.vn/c20/s134-196729/ky-ii-truong-... http://www.vnulib.edu.vn:8000/dspace/handle/123456... http://www.hoilhpn.org.vn/print.asp?newsid=2517 http://vietnamnet.vn/tulieu/2003/3/4993/ https://web.archive.org/web/20040818021653/http://... https://web.archive.org/web/20090505005325/http://... https://web.archive.org/web/20090827220652/http://...